Part 1:
Đây là phần diễn ra khoảng 4-5p, có thể coi là “khởi động” làm quen giữa bạn và giám khảo. Giám khảo sẽ theo đó đưa ra các câu hỏi với chủ đề xoay quanh bản thân bạn, ví dụ như là về nghề nghiệp, học tập, sở thích và gia đình,…
Có nhiều bạn hay hỏi mình những câu hỏi như là: “Trả lời một câu hỏi trong bao nhiêu câu thì ổn ạ?” thì mình thường đáp lại các bạn là không quá dài, cũng không quá ngắn. Nghe thì có vẻ khó hiểu nên mình sẽ lấy ví dụ như thế này để các bạn dễ hình dung:
Nếu giám khảo hỏi về quê quán, hay nơi ở hiện tại của bạn thì tránh trả lời những câu đơn như “I live in Hanoi.” thay vào đó hãy kéo dài câu trả lời của mình “I live in the capital of Vietnam, a lively city renowoned for its mix of modern life and tradition, a city whose name’s none other than Hanoi.”
Ở phần này, giám khảo sẽ đánh giá khả năng phản xạ nhanh đưa ra câu trả lời ý nghĩa của thí sinh, vậy nên một câu trả lời tốt nhất thường 2-3 câu là đủ, không hơn không kém.
Đặc biệt tránh đưa ra các câu trả lời Có hoặc Không. Giám khảo đôi lúc sẽ đưa ra câu hỏi buộc bạn vào tình huống trả lời có/không với một ý kiến nào đó. Trong trường hợp này hãy cố gắng đưa ra quan điểm cá nhân của mình chẳng hạn, như vậy sẽ tạo ấn tượng tốt với giám khảo.
Part 2:
Đây là phần mà thí sinh sẽ được giám khảo đưa ra một chủ đề cụ thể, được phép chuẩn bị trong vòng 1 phút và trình bày trong vòng 2p sau đó. Ví dụ:
Describe an athlete or sportsperson you admire, you should say:
– who this person is.
– how do you know this person.
– What have they achieved.
and explain why do you admire them.
Nhiều bạn gặp khó khăn trong phần này bởi vì đôi khi các bạn gặp phải chủ đề mà mình không có kiến thức hoặc nhiều cái để nói quá không biết phải triển khai như thế nào. NHƯNG, có một điều mà các bạn phải khắc cốt ghi tâm đó là không cần phải nói về tất cả những gợi ý trên thẻ chủ đề. Hãy chỉ chọn một hoặc những khía cạnh mà bạn thích về chủ đề và triển khai mà thôi.
Trong trường hợp bạn không muốn nói theo sườn ý mà thẻ chủ đề cho, bạn hoàn toàn có thể triển khai theo theo sườn ý tự chuẩn bị, hoặc dựa theo mẹo của mình như sau: chia phần trình bày của bạn thành 3 phần bao gồm Introduction, Description và Opinion.
Trong Introduction, bạn sẽ nêu vắn tắt gợi mở về chủ đề mà mình sẽ nói trên thẻ đề bài, hãy đưa ra lí do mà bạn muốn nói về chủ đề đó “Today, I’d like to talk about…”, “Now, the reason I want to talk about this topic is…” nếu bạn có thể đưa ra một lí do càng cụ thể thì sẽ càng tốt, ngoài ra có thể thêm 1 câu chuyện nhỏ liên hệ về quá khứ của bạn trước khi tiếp cận với chủ đề của hiện tại, ví dụ với chủ đề sportsperson như trên:
“Anyway, I was not into sports or any programs alike, so people would find it hard to believe that I was actually a fan of an athlete. The story goes pretty far back to [một mốc tg nào đó trong quá khứ] when I came across an article/directory film… showing the harsh and touching backstory of [tên của athlete đó]…”
Hãy trình bày một cách ngắn gọn và không cần quá chi tiết.
Tiếp theo sau đó là Description, là phần mà bạn thực sự đi vào chi tiết của câu chuyện xoay quanh chủ đề của bạn, đây chính là phần vận dụng rất nhiều vốn từ vựng của bạn. Trong phần này hãy cố gắng sử dụng càng nhiều tính từ càng tốt để miêu tả và diễn đạt thông điệp, đây không chỉ là một cách hiệu quả để thể hiện với giám khảo rằng bản thân bạn sở hữu một vốn từ phong phú mà còn để phô diễn khả năng xây dựng một câu chuyện có cấu trục mạch lạc.
Cuối cùng là Opinion. Đây là đoạn cuối cho phần trình bày kéo dài khoảng 2p của bạn, trong phần này hãy đưa ra những quan điểm và cảm xúc của bạn đối với câu chuyện mà bạn vừa truyền đạt “I feel/I would love to say that/ In my view/I believe…” hoặc bạn hoàn toàn có thể so sánh trải nghiệm trong câu chuyện này với một câu chuyện khác sử dụng cấu trúc so sánh hơn nhất. Sau đó là kết thúc bằng việc đưa ra một số dự định trong tương lai, những gì bạn sẽ làm/sẽ xảy ra đối với câu chuyện ở đây và cảm ơn ban giám khảo đã lắng nghe phần trình bày của bạn.
Part 3:
Đây là phần theo sau và có nội dung liên hệ trực tiếp với phần vừa rồi, giám khảo sẽ đưa ra thêm những câu hỏi cụ thể hơn xoay quanh chủ đề ở part 2 và phần này sẽ kéo dài từ 4-5 phút.
Cũng có rất nhiều bạn có câu hỏi xoay quanh phần thi này nên mình sẽ chọn lọc và đưa ra giải pháp cho 3 vấn đề mà các bạn thường gặp:
“Thầy ơi trong trường hợp mình không hiểu câu hỏi thì phải làm gì ạ?”
– Thực ra thì câu hỏi trong phần thi nói không yêu cầu kiến thức học thuật quá cao siêu hoặc chuyên sâu đâu, nội dung hoàn toàn được thiết kế để các bạn thí sinh đều có thể đưa ra các quan điểm, ý kiến rộng mở. Giám khảo sẽ chẳng đồng tình cũng như phản bác câu trả lời của các bạn, cái mà các giám khảo đánh giá đó chính là khả năng diễn đạt ý tưởng và phát triển ý tưởng đó của các bạn. Vậy nên hãy cố gắng hết sức để đưa ra một câu trả lời rành mạch, có sự liên kết chỉn chu giữa các ý và không bị lạc đề là được.
Đương nhiên, sẽ có lúc mà bạn không thực sự hiểu nghĩa của một từ hay cụm từ nào đó trong câu hỏi của giám khảo, hoặc không nghe rõ câu hỏi. Những lúc như thế này hãy hoàn toàn bình tĩnh và lịch sự hỏi giám khảo nhắc lại câu hỏi hoặc giải thích một chút về cụm từ mình chưa biết: “Sorry but would you mind repeating the question? I didn’t catch what you’ve just said”. Tuy nhiên cũng không nên nhờ giám khảo giải thích quá nhiều vì như thế là vi phạm quy chế thi.
“Em có phải trả lời hết tất cả các câu hỏi không thầy? Có được bỏ qua câu mình không biết không ạ?”
– Phải trả lời toàn bộ câu hỏi nhé, nếu em bỏ qua câu nào thì đều sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Trong trường hợp bất khả kháng, nếu em gặp phải một câu hỏi thật sự hóc búa, hãy thẳng thắn thừa nhận với giám khảo, nhưng vẫn hãy đưa ra một câu trả lời tốt nhất có thể “It’s very difficult to know exactly, but I think/but I believe/perhaps…” “I don’t know a lot about this topic, but if I had to make a guess I would say….” . Ngoài ra các em hoàn toàn có thể hỏi xin giám khảo vài giây suy nghĩ thêm về câu trả lời “That’s a tough question, allow me to think for a second…” giám khảo cũng không hề vội thế nên các em hãy thật bình tĩnh để xử lí câu hỏi nhé.
“Làm thế nào để nói được nhiều, trả lời được nhiều hả thầy? Em cảm thấy mình nói được ít quá…”
– Đây lại là một vấn đề nữa mà theo mình thấy khá giống ở Part 1, các bạn đều gặp khó trong việc kéo dài câu trả lời của mình. Thế nên dưới đây là một số mẹo có thể giúp câu trả lời của các bạn được đầy đặn hơn:
#1- Paraphrase lại câu hỏi
Ví dụ:
Examiner: “What can people do to try and reduce air pollution?”
Student: “Hmm, what are the deeds that individuals can do to prevent air from being polluted, lemme see…”
Đây là cách khá phổ biến khi bắt đầu một câu trả lời, nhưng chỉ dùng những lúc cần thiết không nên lặp lại quá nhiều.
#2- Đưa ra lí do
Đôi khi các thí sinh sẽ chỉ dừng lại ở việc đưa ra quan điểm của mình trong câu trả lời nhưng lại rất it khi các bạn giải thích vì sao mình lại đưa ra quan điểm đó. Lại lấy ví dụ với air pollution như ở trên đi:
“I believe the best way to reduce air pollution is to promote the use of public transport instead of private vehicles. (Why?) With fewer cars on the road, there will be less traffic congestion and less fuel consumption. If more people switch to buses or trains, cities can become much cleaner and healthier to live in.”
Hãy tự tạo thói quen đặt câu hỏi “Vì sao?” cho bản thân, thông qua đó rèn luyện kĩ năng brainstorm và phát triển ý kiến của mình.
#3- Ngụy tạo ví dụ
Nghe từ “ngụy tạo” nhiều bạn sẽ thường nghĩ đó là một việc làm xấu. Tuy nhiên, trong IELTS speaking thì lại khác, nhắc lại một lần nữa, các giám khảo sẽ KHÔNG phản hồi với ý kiến của các bạn, họ không quan tâm về độ tin cậy của thông tin mà bạn đưa ra (đương nhiên là nếu nó không hoang đường quá mức rồi) mà sẽ chỉ tập trung vào đánh giá khả năng trau chuốt, xử lí thông tin và phát triển ý của các bạn. Vậy nên, đừng ngại trong việc bịa ra một ví dụ hay một con số để minh họa, dẫn chứng cho câu trả lời. Hãy cùng thử với ví dụ air pollution nhé:
“Studies show that a single bus can replace up to 40 private cars, which significantly cuts down on emissions. For example, if just 20% of a city’s population switched to public transport, CO₂ emissions could drop by around 30%.”
Với những ví dụ chứa nhiều số liệu hoặc liên quan đến học thuật, bạn hoàn toàn có thể để tựa “Studies/Reports/Researchers claim that…” trước phần đưa ra nhận định.
Vừa rồi là một số mẹo và lưu ý khi thi IELTS Speaking từ kinh nghiệm của mình, hi vọng các bạn sẽ thấy bài này có ích trong công cuộc luyện thi IELTS sắp tới.
Tóm lại, để đạt kết quả tốt trong bài thi IELTS Speaking, chỉ các mẹo thôi là chưa đủ, các bạn cũng cần phải luyện tập thường xuyên, có chiến lược ôn tập hiệu quả và luôn giữ sự tự tin. Việc mở rộng vốn từ vựng, cải thiện phát âm và luyện tập với các câu hỏi mẫu cũng sẽ giúp các bạn nâng cao độ trôi chảy và mạch lạc khi nói. Hãy kiên trì, và thành công chắc chắn sẽ đến! Chúc các bạn ôn thi hiệu quả.